Dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi, đặc biệt cần:
Tăng năng lượng bữa ăn: nhu cầu về năng lượng của thai phụ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế năm 2016, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng cuối, năng lượng cung cấp tăng 450 Kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý). Về tính cân đối của khẩu phần cần đảm bảo số lượng chất béo và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết).
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng thông qua đa dạng thực phẩm: Bổ sung chất đạm, chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi. Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như: trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Nên cố gắng uống thêm sữa và chế phẩm sao cho đạt 6 đơn vị sữa/ ngày (tương đương 600ml sữa pha chuẩn)…
Chất khoáng và vitamin không chỉ cần để giúp thai nhi phát triển mà còn cần đáp ứng cho nhu cầu tăng cao của người mẹ. Các vi chất là những chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai.
Canxi: Có vai trò quan trọng tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi và đảm bảo cho nhu cầu canxi của thai phụ. Khi có thai, nhu cầu canxi tăng lên 1200mg/ngày cao hơn khi chưa mang thai (800mg/ngày).
Phụ nữ mang thai thiếu canxi có thể thấy mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng tưởng như lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa thì lên cơn co giật do hạ canxi huyết quá mức mà biểu hiện đặc trưng là co giật các cơ mặt và chi trên với bàn tay co rúm, các ngón tay chụm lại giống như “bàn tay người đỡ đẻ”. Đối với thai, thiếu canxi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương, giảm chiều dài sơ sinh… Nếu người mẹ không được cung cấp đủ lượng canxi mỗi ngày thì bào thai sẽ lấy lượng canxi thiếu đó từ chính xương của cơ thể mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của mẹ. Vì thế bổ sung canxi đủ và đúng liều khi mang thai là hết sức cần thiết.
Thiếu canxi người mẹ dễ tăng huyết áp. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, do nhu cầu canxi để phát triển xương của thai nhi nên cuống rốn tiết ra một lượng estrogen cản trở việc tái hấp thu canxi của xương trong cơ thể mẹ. Khi canxi trong máu mẹ giảm, hoạt động bài tiết hormon của tuyến cận giáp tăng lên làm hòa tan phốt pho trong xương, chuyển vào máu đồng thời gia tăng sự hấp thu canxi trong đường ruột để giữ mức canxi trong máu ổn định. Nồng độ hormon của tuyến cận giáp có liên quan trực tiếp tới huyết áp, hormon của tuyến cận giáp càng cao thì huyết áp càng tăng. Vì vậy, nếu được bổ sung canxi đầy đủ có thể giảm nhẹ sự bài tiết hormon của tuyến cận giáp do hạ nồng độ canxi trong máu gây ra, làm cho huyết áp ổn định và duy trì ở mức bình thường. Ngoài ra, việc bổ sung canxi có thể giảm tính nhạy cảm trong mạch máu, ức chế phản ứng của cơ trơn mạch máu. Do đó, đáp ứng đủ nhu cầu canxi có thể phòng ngừa chứng tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Cung cấp canxi khi mang thai: Cách tốt nhất là sử dụng canxi từ thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100-120mg/100ml sữa nước pha chuẩn), tỷ lệ hấp thu cao; Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng canxi cũng khá phong phú. Trong các loại rau xanh và các loại đậu đỗ tuy cũng là nguồn canxi, nhưng canxi trong các loại thực phẩm này dễ bị tương tác với axit oxalic và các loại axit hữu cơ vốn có trong các thực phẩm nguồn thực vật tạo ra những hợp chất canxi khó hòa tan. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả, không quá kiêng khem, chọn lựa thức ăn có nhiều canxi cho bà mẹ mang thai là điều cần thiết hoặc có thể uống bổ sung canxi để tránh tình trạng thiếu canxi cho cả mẹ và thai nhi.
Sắt: Tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Sắt do các thức ăn động vật cung cấp dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thức ăn thực vật. Lượng vitamin C và chất đạm trong khẩu phần làm tăng khả năng hấp thu sắt, ngược lại, tannin và phytat lại cản trở sự hấp thu sắt. Do nhu cầu sắt của người phụ nữ tăng cao khi mang thai nên khẩu phần hàng ngày không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được uống bổ sung viên sắt (60mg sắt nguyên tố/ngày) hoặc viên đa vi chất theo quy định. Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa.
Kẽm: Tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò... Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Thiếu kẽm gây nên vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh và sinh không bình thường.
Iốt: thiếu iốt ở phụ nữ thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển... Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.
Vitamin A: Ngoài các tác dụng như sáng mắt, tăng đề kháng, còn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng giúp trẻ có chiều cao tối ưu theo tiềm năng di truyền. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Chế độ ăn của phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Sau khi sinh, chế độ ăn của người mẹ cần đủ nhu cầu vitamin A để cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa mẹ. Sữa, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ, là những thức ăn có nhiều beta caroten vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Chế độ ăn đủ chất béo sẽ giúp tăng hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo khác như vitamin D, E, K. Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi.
Vitamin D: Giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phospho vào cơ thể, khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền. Những phụ nữ có thai nên dành thời gian tắm nắng khoảng 20-30 phút/ngày hoặc bổ sung vitamin D 15mcg/ngày theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa khi cần, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như phomát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D. Ngoài ra người mẹ có thể phòng còi xương cho con bằng cách uống vitamin D 200.000UI khi thai được 7 tháng theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa khi cần.
Vitamin B1: Là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là nguồn cung cấp vitamin B1. Để có đủ vitamin B1 nên ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc. Ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất để bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống lại bệnh tê phù.
Vitamin B2: tham gia quá trình tạo máu nên nếu thiếu vitamin B2 sẽ gây thiếu máu nhược sắc. Vitamin B2 có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu... Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng bị giảm đi nhiều qua quá trình xay xát.
Folate: Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Thiếu folate ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Folate có vai trò bảo vệ chống lại những khiếm khuyết của ống thần kinh ở thai nhi. Nguồn cung cấp folate có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung acid folic khi mang thai và dự phòng thiếu folate từ trước khi mang thai theo phác đồ dự phòng uống viên sắt acid folic để giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi.
Vitamin C: có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng.
- Tác động của vận động đến sự phát triển chiều cao của trẻ (19/06/2023)
- Dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối (11/12/2023)
- Lưu Ý Về Dinh Dưỡng Cho Bà Bầu Khi Bị Táo Bón (29/08/2024)
- Cách cải thiện tiêu hóa cho trẻ (19/06/2023)
- Khi bị tiểu đường thai kì bà bầu nên ăn và không nên ăn gì? (18/12/2023)
- Nên cho trẻ suy dinh dưỡng ăn như thế nào? (11/12/2023)
- Bổ sung chất xơ đúng cách cho bé (07/12/2023)
- Mẹ bầu nên ăn gì để con thông minh (07/12/2023)
- Những thực phẩm người cao tuổi cần tránh để khỏe mạnh (07/12/2023)
- Mẹ ốm nghén nên ăn gì để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh? (28/11/2023)
- Thực phẩm chống viêm cho người cao tuổi thiếu máu cơ tim (28/11/2023)
- Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, thấp còi (28/11/2023)
- Hướng dẫn bổ sung canxi cho người cao tuổi đúng cách (18/11/2023)
- Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu trong suốt thai kỳ (18/11/2023)
- Hướng dẫn bổ sung canxi cho trẻ đúng cách và an toàn (18/11/2023)
- Món ăn bài thuốc bổ dưỡng cho người cao tuổi (18/11/2023)
- Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 4 tuổi (18/11/2023)
- Chế độ dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ mà các mẹ nên biết (18/11/2023)
- 9 thực phẩm tốt cho người cao tuổi giúp sống khỏe sống lâu (05/11/2023)
- Thực phẩm mẹ bầu ốm nghén nên ăn (05/11/2023)
- 10 thực phẩm dinh dưỡng giúp trẻ em khỏe mạnh và phát triển trí não tốt hơn (05/11/2023)
- Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi (29/10/2023)
- Chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ mang thai (29/10/2023)
- Đạm Whey và MCT - Bí quyết giúp con tăng cân khỏe mạnh (29/10/2023)
- Chế độ dinh dưỡng mùa đông cho bé (25/10/2023)