Khi nào cần bổ sung kẽm cho trẻ em và phụ nữ mang thai?
Chúng ta hay nhắc tới vai trò của vitamin D3 mà ít khi quan tâm vai trò của kẽm - một vi chất rất quan trọng với cơ thể, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ mang thai. Vậy khi nào nên bổ sung thêm kẽm cho những đối tượng này?
Vai trò của kẽm trong cơ thể
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng miễn dịch, điều hoà vị giác, cảm giác ngon miệng.
Kẽm rất quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy, bổ sung kẽm trong đợt cảm lạnh thông thường có thể rút ngắn thời gian phục hồi bệnh, so với nhóm không bổ sung.
Biểu hiện thiếu kẽm như thế nào?
Hiện chưa có chỉ số đặc hiệu phản ánh chính xác tình trạng kẽm của cơ thể. Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và sự chuyển hóa.
Một số biểu hiện của thiếu kẽm: Biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, thức giấc, ngủ ít…), chậm phát triển thể lực, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp), tổn thương da và niêm mạc, chậm lành vết thương (vết bỏng, vết loét), viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, rụng tóc, rụng lông…
Ai có nguy cơ thiếu kẽm?
Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi, có đến 7 trẻ thiếu kẽm; cứ 10 phụ nữ mang thai, có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%.
Đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm:
- Trẻ em bị suy dinh dưỡng, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi, suy dinh dưỡng thiếu cân mức độ nặng, trẻ đẻ non, trẻ ăn nhân tạo không được bú sữa mẹ, trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, trẻ em tuổi học đường.
- Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.
- Người nghiện rượu, người ăn chay, đặc biệt là ăn chay trường. Những người bị rối loạn tiêu hóa (viêm ruột, loét miệng, viêm đại tràng). Bệnh thận mạn tính, thiểu năng tuyến tuỵ, đái tháo đường...
- Vùng kinh tế khó khăn, khẩu phần ít thức ăn nguồn động vật, thức ăn nguồn thực vật với ngũ cốc là nguồn cơ bản, khẩu phần nhiều chất ức chế hấp thu sắt, kẽm.
- Vùng có tỷ lệ thiếu sắt, thiếu vitamin A ở mức ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.
Khi nào cần bổ sung kẽm?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu kẽm cho trẻ tùy thuộc vào mỗi độ tuổi:
- Trẻ em dưới 3 tháng cần 3mg kẽm mỗi ngày.
- Trẻ từ 5 tháng – 12 tháng tuổi là 5 – 8 mg/ngày.
- Trẻ từ 1 tuổi – 10 tuổi cần khoảng 10 – 15 mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu nhất.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần được cung cấp đầy đủ kẽm, đặc biệt là những người có lượng kẽm dự trữ thấp khi mới có bầu thì mỗi ngày sẽ cần thêm nhiều kẽm hơn những người khác.
Có thể bổ sung kẽm thông quanguoofn thực phẩm từ động vật hoặc thực vật. Các nguồn động vật có nhiều kẽm nhất bao gồm: Hàu, tôm đồng, lươn, thịt bò, cua, tôm hùm, thịt lợn và sữa chua. Thực vật chứa nhiều kẽm bao gồm: Hạt bí ngô, hạt vừng, hạt điều, đậu nành, bột yến mạch và thực phẩm thực vật tăng cường kẽm (như ngũ cốc).
Thông thường, lượng kẽm cần hàng ngày có thể dễ dàng đạt được thông qua một chế độ ăn uống cân bằng, bình thường. Khuyến cáo, nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu.
Nếu trẻ có chế độ ăn không đa dạng, biếng ăn hoặc bị còi xương, suy dinh dưỡng, bị tiêu chảy, hay viêm hô hấp hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng khác, có thể bổ sung thêm kẽm theo chỉ định của bác sĩ.
- Tác động của vận động đến sự phát triển chiều cao của trẻ (19/06/2023)
- Mách mẹ 7 thực phẩm giúp tăng đề kháng cho con (02/10/2023)
- Sai lầm của cha mẹ khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, thấp còi (28/11/2023)
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ lứa tuổi mầm non (18/06/2024)
- Cách cải thiện tiêu hóa cho trẻ (19/06/2023)
- Cách cải thiện tiêu hóa cho trẻ (19/06/2023)
- Tác động của vận động đến sự phát triển chiều cao của trẻ (19/06/2023)